Trị bọ hà hại khoai lang

So với nhiều loại cây trồng khác, thì chủng loại sâu bệnh hại trên cây khoai lang có ít hơn. Tuy nhiên, trong số ít ỏi này lại có những loài rất nguy hiểm, thường gây thiệt lớn cho người trồng, trong đó có con bọ hà. Đặc biệt là ở những vùng thường bị khô hạn hoặc trong các mùa khô như ở một số tỉnh phía Nam của nước ta.

Chúng gây hại cho cây khoai lang bằng cách ăn biểu bì của thân, lá và đục phá ruột củ. Khi cây khoai chưa có củ thì bọ sống trong thân cây (dây khoai), với mật số không cao. Khi củ bắt đầu hình thành chúng sinh sản rất nhanh và chuyển sang phá hại củ, nhất là những củ có một phần lộ lên khỏi mặt đất hoặc nằm sát mặt đất.

Con ấu trùng đục vào trong củ thành những đường hầm, rồi nằm ăn chất dinh dưỡng và thải phân ngay trong đó. Bọ tiếp tục đục phá củ trong thời gian tồn trữ, làm ruột củ có mầu xanh vàng, xanh đen, mùi cay nồng, vị đắng không thể ăn hoặc làm thức ăn cho vật nuôi. Để diệt trừ loài bọ này, nhiều bà con (nhất là những người mới chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng khoai lang) tỏ ra rất lúng túng.

Sau đây xin mách bà con cách làm mang lại hiệu quả rất cao. Cụ thể như sau:

– Sau khi thu hoạch khoai, thu gom toàn bộ cây khoai (nhất là những củ đã bị bọ gây hại) đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy. Nếu có điều kiện nên cho nước ngâm ruộng vài ngày để tiêu diệt ấu trùng, nhộng nằm trong đất.

– Trước khi đưa củ khoai vào cất trữ, bảo quản cần loại bỏ những củ đã bị bọ gây hại để tránh lây lan sang củ khác. Trong thời gian tồn trữ, thỉnh thoảng đảo lại khoai kết hợp loại bỏ những củ mới bị bọ gây hại.

– Không dùng dây khoai ở những ruộng đã bị bọ gây hại làm giống cho ruộng khác.

– Từ khi hình thành củ, phải vun cao và kín gốc không để củ bị ló lên khỏi mặt đất, thường xuyên tưới đủ ẩm cho luống khoai để đất không bị nứt nẻ, bít đường chui xuống củ đẻ trứng của con bọ trưởng thành.

– Trước khi trồng, nên ngâm hom giống vào dung dịch có chứa thuốc Diaphos 50EC, hay Vibasu 40ND/50ND (pha theo nồng độ phun xịt) trong vòng 30 phút để diệt sâu, nhộng bên trong hom giống. Từ khi hình thành củ trở đi có thể dùng thuốc Gà nòi 95SP hoặc Vicarp 95BHN hay Padan 95SP phun xịt định kỳ khỏang15 ngày một lần.

– Nếu ruộng khoai thường bị bọ hà gây hại nặng hàng năm, nên điều khiển thời vụ sao cho thời kỳ có củ tránh rơi vào mùa khô, hạn. Sau vài vụ trồng khoai lang nên luân canh một vụ với cây trồng nước.
NGUYỄN VŨ – Nông nghiệp Việt Nam, 27/10/2010

Nghiên cứu dùng chất dẫn dụ Pheromone diệt sùng khoai

Huyện Bình Minh và Bình Tân là 2 huyện trồng khoai lang nhiều nhất ở tỉnh Vĩnh Long với khoảng 5.000ha, hàng năm cho sản lượng trên 200 ngàn tấn với các giống khoai nổi tiếng như khoai nghệ, khoai đỏ, tím Nhật, Lục Ngạn, bí đỏ,… nhưng ai có lúc cũng khốn đốn do củ khoai bị sùng. Nhằm giúp nông dân có biện pháp phòng, trị có hiệu quả, giảm chi phí, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Long đang triển khai đề tài sử dụng Pheromone giới tính đối với sùng khoai lang ở 2 huyện nêu trên do Tiến sĩ Lê Văn Vàng- Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm.

Kết quả bước đầu cho thấy, Pheromone giới tính có hiệu quả trong việc phòng, trị bệnh sùng trên khoai lang, giúp hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu độc hại với khoai lang nói riêng và rau củ quả nói chung, sử dụng dễ dàng. Đề tài tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật đặt bẫy dẫn dụ, quy mô áp dụng trên diện rộng và đồng bộ theo từng mùa vụ đề phòng trị và hạn chế sự phát triển của quần thể sùng khoai lang một các hiệu quả nhất để có kết quả toàn diện nhằm khuyến cáo người trồng khoai sử dụng chất dẫn dụ này có hiệu quả nhất.

TRUNG HIỆP – Báo Vĩnh Long

Tin Liên Quan